Đạo Đức Đặc biệt yêu quý Thánh Kinh Chị hiểu biết những sự việc liên quan tới Chúa ở một cao độ. Nhờ được trí nhớ dẻo dai nên Chị dễ dàng ghi nhận những điều Chị đọc hay nghe nói. Chị còn biết áp dụng đúng lúc những nhận xét chính xác và cả những giai thoại nhỏ mọn nữa. Đặc biệt là Chị hấp thụ được những đoạn Kinh Thánh cách mau lẹ và chắc chắn trong Kinh Thánh, là kho tàng thật quý giá đối với Chị khi đã vào Dòng. Chị khám phá ra ý nghĩa ẩn tàng trong đó và biết áp dụng một cách thật lạ lùng.Tôi chép khá nhiều đoạn trong Cựu Ước, và tôi đưa cho Chị dùng. Những đoạn này biến thành món ăn bổ ích trong các giờ Chị suy nguyện. Lòng mộ mến Chúa Ba Ngôi Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu mộ mến Chúa Ba Ngôi cách đặc biệt. Chị ước ao cho ngày lễ này được nâng lên bậc trọng hơn. Khi tôi còn ở ngoài đời, Chị định gọi tôi là Marie Thiên Chúa Ba Ngôi (Marie de la Trinité) trước khi chọn cho tôi tên Marie Nhan Thánh (Marie de la Sainte Face) mà tôi đã mang mấy tháng khi mới vào Dòng. Nhưng một chị Nhà tập khác đã được mang tên đó (tức là tên Marie Thiên Chúa Ba Ngôi) và Têrêsa rất lấy làm an ủi. Chính trong ngày kính lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, hôm 9.6.1895, Chị đã được cảm hứng dâng mình làm hiến tế đền tạ Tình Yêu Dung Thứ của Chúa 66. Gọi Chúa là “Cha chúng tôi” Ngày kia tôi vào phòng Chị và thật ngỡ ngàng trước thái độ Chị chăm chú hồi tâm. Chị may và nhanh nhẹn mà vẫn như chìm đắm trong cuộc chiêm ngắm sâu xa: - Chị suy nghĩ gì đó? - Em suy niệm kinh Lạy Cha! Thật êm ái biết bao khi được gọi Chúa là Cha chúng tôi! Có những giọt nước mắt long lanh trên đôi mi Chị. Chị yêu mến Chúa như một em bé âu yếm cha mình với trăm ngàn cử chỉ thương yêu không thể tưởng tượng được. Trong thời gian Chị bệnh, Chị thường dùng một tiếng khác để gọi Chúa, đó là tiếng “Ba” (Papa). Chúng tôi bật lên cười, nhưng Chị nói giọng cảm động: - Ồ đúng thế! Ngài đúng là “Ba em” và em thấy êm dịu khi dùng tiếng “Ba” để gọi Ngài. Thân mật với Chúa Giêsu Chúa Giêsu là tất cả trong tâm hồn Chị. Khi viết về Chúa Giêsu Kitô, Chị luôn viết tiếng “Ngài” (Lui, II) bằng chữ hoa để tỏ lòng cung kính bản vị đáng tôn thờ. - Trong khi cầu nguyện với Chúa Giêsu, chị thích gọi Ngài bằng “tu” hay bằng “vous?”67. Tôi trả lời là thích dùng tiếng “tu” hơn. Chị nói tiếp giọng đầy an ủi: - Em cũng thế, em thích gọi Chúa Giêsu là “Tu”, tiếng này diễn tả đầy đủ hơn lòng em yêu Chúa, và bao giờ em cũng dùng tiếng này khi một mình thưa chuyện với Chúa, nhưng trong các bài thơ em sáng tác và trong những kinh có cả người khác đọc, em không dám dùng tiếng này.
Lòng ái mộ Nhan Thánh Đối với Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu thì lòng ái mộ này là cứu cánh và là sự triển nở trọn hảo của tình yêu Chị đối với Nhân Tính Chúa Giêsu. Nhan Thánh Chúa chính là tấm gương trong đó Chị nhìn thấy Linh Hồn và Tấm lòng của Đấng Chị yêu mến, là nơi Chị chiêm ngắm toàn thể Chúa Giêsu. Cũng vì thế mà tấm hình chỉ có nguyên khuôn mặt của người yêu cũng đủ làm ta thấy người đó hiện diện rồi. Có thể nói được lòng ái mộ Nhan Thánh Chúa đã hướng dẫn đời sống thiêng liêng Chị. Nếu ta muốn có một kỷ niệm chính đáng về những tâm tình đạo đức nơi Chị, thì ta phải nhận rằng lòng sùng kính Nhan Thánh vượt trên các tâm tình đạo đức khác, lý do vì sự sùng kính này gồm tóm các sự sùng kính khác. Chính trong khi chiêm ngắm khuôn mặt đầy thương tích Chúa, trong lúc suy niệm những tủi hổ Ngài chịu mà Chị đã rút được bài học khiêm nhường, mến yêu đau khổ, quảng đại hy sinh, nhiệt tâm với các linh hồn, siêu thoát thụ tạo, cũng như các nhân đức tích cực mạnh mẽ và hùng cường như chúng ta đã thấy Chị thực hành. Vô tình Chị đã tuân theo lời Thầy Chí Thánh dạy thánh nữ Giêtruđê để nên hoàn thiện: “Tâm hồn nào muốn tiến bước trên đường hoàn thiện thì hãy phóng mình vào lòng Cha. Nhưng nếu họ còn cao vọng bay bổng hơn nữa và muốn tiến tới tuyệt đỉnh ước mong, thì hãy tung bay tới độ nhanh như phượng hoàng, hãy lượn quanh Nhan Thánh Cha, hãy như thiên thần Séraphim được nâng đỡ trên đôi cánh Đức ái quảng đại”. Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã sống như vậy và việc bay bổng này đưa tới hiệu quả là Tình yêu trinh trong như thiên thần đã phát sinh những tác động quảng đại tới bậc anh hùng. Chị dẫn giải cho chị em Nhà tập biết rằng Nhan Thánh Chúa Giêsu như một pho sách, trong đó Chị múc được khoa học tình yêu, được nghệ thuật nhân đức… Chị ghi ở bên Nhan Thánh trong tấm huy hiệu của Chị lời châm ngôn này: “Tình yêu chỉ đáp trả được bằng tình yêu” (L’amour ne se paie que par l’amour). Trong thư từ, bút ký cũng như thi văn Chị sáng tác luôn thấm đượm tình yêu đối với Nhan Thánh Chúa. Tôi thâm tín rằng “người em nhỏ yêu quý” đó đã gợi hứng để tôi dự tính vẽ lại Nhan Thánh theo bức khăn thành Turin. Và tôi đã đạt được kết quả 7 năm sau khi Chị lìa trần, tức là năm 1904.
Mộ mến Thánh Thể Thánh lễ và yến tiệc Thánh Thể làm Chị được chan hoà hạnh phúc. Không khi nào định làm việc gì quan trọng mà Chị không xin dâng Lễ theo ý đó. Mỗi lần mợ chúng tôi cho Chị tiền vào những ngày lễ và ngày giáp năm, Chị luôn xin phép Bề trên để xin Lễ, và đôi khi thì thầm với tôi: “Em xin Lễ cho ‘con em’ đó (Pranxini) 68, lúc này nó rất cần em giúp đỡ!”. Trước khi khấn, Chị dùng số tiền còn lại lúc ngoài đời gồm 100 phật lăng để xin Lễ cho Cha già chúng tôi, lúc đó đang bệnh nặng. Chị cho rằng không việc nào đem lại nhiều ơn ích cho người bằng Máu Thánh Chúa Giêsu đổ ra. Chị rất ước ao được rước lễ hằng ngày, nhưng thói quen hồi đó không cho phép, và đây là một trong những đau khổ lớn lao nhất Chị phải chịu trong nhà Dòng. Chị cầu xin với Thánh Cả Giuse để thay đổi được thói quen này. Sắc lệnh của Đức Lêô XIII cho dễ dãi hơn trong việc này và Chị coi đây như lời đáp trả cho những nguyện xin nồng nàn của Chị 69. Chị tỏ ra luôn biết ơn Thánh Cả tới nỗi khi đi ngang qua tượng Ngài đặt ngoài vườn, Chị sốt mến ngắt hoa tung kính Ngài. Chị nói trước rằng sau khi Chị qua đời, chúng tôi sẽ không thiếu bánh ăn hằng ngày, và đã xảy ra hoàn toàn đúng như thế 70. Lòng mộ mến phép Thánh Thể đã làm Chị chu toàn bổn phận giữ phòng Chị thuật lại cho tôi nghe nỗi vui sướng của Chị khi có một lần trong giờ rước lễ, vị linh mục làm rơi Mình Thánh và Chị đưa áo Dòng ra đón lấy. Chị coi mình được đặc ân như Đức Trinh Nữ vậy, vì Chị cũng đã mang Chúa Giêsu Bé Thơ trên cánh tay. Chị bảo khi sửa soạn các Bình Thánh để cử hành Thánh lễ, Chị thích được soi mình trong chén và đĩa thánh, Chị thấy như vàng đã phản chiếu hình bóng Chị và như vậy là Bánh Thánh đã an nghỉ trên người Chị. Chị cảm động biết bao khi sáng tác và vẽ bức bích hoạ đặt quanh Nhà Tạm trong nhà nguyện! Đây quả thực là công trình do đức vâng lời tạo nên, vì Chị chỉ biết sơ sài về thuật hội hoạ 71, lại vừa không phải người có thiên tài, vừa phải leo lên thang mới vẽ được, cộng thêm là thiếu ánh sáng tới nỗi một nhà danh hoạ cũng khó thành công. Thế mà Chị đã hoàn thành cách khả quan! Các thiên thần tí hon Chị vẽ có vẻ thơ ngây vừa gợi cảnh thiên đàng.
Tôn kính chức Linh Mục Tinh thần đức tin làm Chị hết lòng tôn kính các linh mục. Tôn kính vì các ngài đã được lãnh nhận thánh chức tư tế và không thể còn phẩm tước nào đáng quý trọng hơn. Khi còn sống, rất nhiều lần chị tỏ ra hối tiếc vì không thể làm linh mục. Vào tháng 6 năm 1897, cảm thấy mình quá ốm yếu, Chị bảo tôi: - Chúa sắp cất em về khi em chưa đủ tuổi làm linh mục nếu em có thể. Chị say mê về việc thánh nữ Barbe đã mang Mình Thánh Chúa cho thánh Stanislsa Kostka. Chị nói với tôi: - Tại sao không phải một thiên thần hay một linh mục, mà lại một trinh nữ! Ồ! Chỉ ở trên trời chúng ta mới thấy rõ những sự việc lạ lùng! Em có ý nghĩ là khi tại thế, ai có lòng ước ao thì trên trời cũng sẽ được hưởng những đặc ân của chức linh mục.
Những cánh hoa dâng kính tượng Chúa Giêsu Bé Thơ Chị Têrêsa lấy làm sung sướng được cử trang hoàng tượng Chúa Giêsu Bé Thơ đặt trong Nhà Dòng và Chị đã cẩn thận chu toàn nhiệm vụ đó. Chị sơn tượng màu hồng và luôn trang hoàng bằng những hoa màu sắc tươi vui, có những con chim nhỏ nhồi bằng rơm, màu lông óng ánh ở bên tượng. Vào mùa hạ, từ trưa đến một giờ là thời gian im lặng và tự do nên thay vì nằm nghỉ, Chị đã dành một phần để trang hoàng Chúa Giêsu Nhỏ của Chị. Nhưng trong Dòng vào mùa này lại hiếm hoa! Thật là cực lòng cho một người có tâm hồn như Chị mà lại khép mình trong Dòng ngay từ 15 tuổi không thể tung tăng ngoài đồng nội để kiếm lấy một cánh hoa mao lượng! Nhưng Chúa Giêsu đã tự cung cấp hoa cho Chị. Chị thuật lại cho tôi mẩu chuyện sau đây: Mùa hạ đầu tiên khi Chị vào Dòng Kín, Chị tự bảo: “Từ nay tôi không bao giờ được ngắm những bông hoa đồng nữa: nào cúc vàng, cúc trắng, nào hoa mào gà, nào lúa kiều mạch, lúa mì bát ngát!…, và thực sự Chị nôn nao buồn, đúng lúc ấy nữ tu giữ cửa trao cho Mẹ Bề trên một bó hoa đồng tuyệt đẹp, gồm các thứ hoa Têrêsa mơ ước. Chị ở Dòng ngoài thấy bó hoa đặt trên cửa sổ phòng Chị mà không hiểu từ đâu mang tới. Mẹ Bề trên tuy không hay biết gì nỗi khổ tâm của Têrêsa cũng đã trao cho Chị để trang hoàng tượng Chúa Giêsu Bé Thơ. Từ ngày đó, không bao giờ Chị thiếu hoa đồng cả.
Những bông hồng cho tượng Chịu Nạn Chị rất mến việc tung hoa kính tượng Chúa Kitô đặt ở giữa sân. Sau này khi Chị bị bệnh, Chị lấy hoa hồng phủ đầy lên tượng Chịu Nạn, cẩn thận vứt bỏ những cánh hoa úa héo72. Có lần tôi thấy Chị lấy đầu ngón tay vuốt nhẹ trên mão gai và đinh tượng Chịu Nạn, tôi hỏi: “Chị làm gì đó?”. Một chút ngỡ ngàng vì bị thấy quả tang, Chị thú: “Em tháo đinh và cất mão gai đi cho Chúa”. Chị không muốn tỏ lòng yêu mến thọ tạo nào bằng cách tung hoa tặng họ cả. Ngày kia tôi trao cho Chị những bông hồng và xin Chị ném tặng ai tuỳ ý để tỏ lòng yêu quý, nhưng Chị từ chối. Mến Mẹ Maria Tượng Đức Nữ Trinh Mỉm Cười ban cho Chị ơn khỏi bệnh cách lạ chính là nguồn an ủi tâm thần Chị: khi tôi vào Dòng, thì người ta cũng mang tượng này theo. Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu ra tận cửa tu viện để nhận tượng. Chị đã nhanh nhẹn bồng lấy, siết chặt với tâm tình yêu mến và mang tượng cách nhẹ nhàng như cầm một cán lông, tuy tượng rất nặng73. Các chị em có mặt ở đó đều bỡ ngỡ và thán phục! Từ đó nhiều lần tôi thấy chị quỳ dưới chân tượng cầu nguyện với thái độ thật sốt sắng. Trong cơn bệnh sau cùng, người ta đặt tượng đối diện với giường Chị nằm. Chị không ngớt hướng nhìn về phía tượng. Chị Têrêsa thích tặng ảnh Đức Trinh Nữ, loại ảnh đeo mà Chị rất tin tưởng ở hiệu lực của việc tôn sùng này. Khi còn ở ngoài đời, Chị đã lấy ảnh đó đeo trên ngực hai em nghèo Chị nhận dạy dỗ và Chị cũng thuyết phục một người đàn bà không tin tưởng gì hết để bà mang mẩu ảnh Chị tặng bà. Từ ngày Rước lễ lần đầu, Chị quyết định đọc hằng ngày kinh “Hãy Nhớ”, và Chị đã trung thành giữ cả đời quyết định đó. Sau này ở Buissonnets, Chị lần chuỗi hằng ngày. Nhưng những việc bên ngoài này chỉ là hình ảnh mờ nhạt tình Mẹ con khăng khít mà Chị gọi Đức Mẹ là “Má” (Maman). Chị cho rằng những cuộc hối cải cần qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ và Chị dâng mọi ý chỉ của mình cho Người. Có một chiều vào khoảng ba giờ, tôi thấy Chị cầu nguyện và hỏi xem Chị cầu nguyện gì, Chị trả lời: “Em đọc kinh Kính Mừng để dâng việc làm lên Đức Nữ Trinh. Em có thói quen như vậy khi bắt đầu công việc”. Chị bảo chúng tôi mang tràng hạt vào cổ mà ngủ đêm. Chị Têrêsa sáng tác bài ca “Hỡi Maria, sao on yêu Mẹ?”. Khi Chị đã bệnh trầm trọng, Chị đặt tất cả tâm hồn trong bài ca đó. Lúc này như tôi còn nghe thấy Chị bảo tôi là: Chị muốn trước khi chết được diễn tả tâm tình của Chị đối với Đức Nữ Trinh trong một bài thơ.
49 Is LXIV,5 50 Thánh Vịnh XCI 51 Một Chúa nhật trong năm 1888 cha Rohée là tổng quản nhà thờ Chánh Toà đã tuyên bố trên toà giảng là cần 10.000 Phật lăng để có thể sắm được một bàn thờ mới. Ông Martin đem tiền dâng ngài ngay và chỉ xin một điều là giữ kín không cho ai trong xứ biết tên người dâng cúng. Tuy thế, việc này không giấu nổi ông Guérin, cậu ruột Thánh Nữ. 52 Thánh Thomas viết: “Mỗi vị thánh trên trời được hưởng chung hạnh phúc của tất cả các vị thánh khác” (S. T. Suppl. 9. 71, art. 1er). Chị Thánh đã đọc được đoạn sau đây trong cuốn: Fin du monde présent et mystères de la vie future, do cha Arminjon soạn thảo, một cuốn sách Têrêsa đặc biệt thích thú: “Những con người được tuyển chọn, tất cả chỉ có chung một niềm tâm tư… mỗi vị sẽ sung mãn bằng sự sung mãn của tất cả” (Cuộc diễn giảng thứ bảy về: Hạnh phúc vĩnh cửu và chiêm ngưỡng siêu kiến Thiên Chúa, tr. 312).
53 Dép “Alpagates” là một loại sandale đế bằng thừng, các nữ tu Carmel dùng thay cho giày. 54 Khúc XIII 55 Xin coi bản kinh ở cuối sách. 56 Ms. Fol. 84 r0 et v0 57 Is 3,10 58 Chú giải về sự siêu nhiên. 59 Thư Do Thái 12, 18, 22, 23, 29 60 Esdaras II 4,11 61 Gương Chúa Giêsu Q. III 4,4 62 Chị thánh không hiểu tiếng Latinh nên không thể thường xuyên chú ý tới nghĩa chữ, nhưng Chị cũng biết được ít nhiều đoạn nhờ đọc những bản dịch ngoài giờ kinh. 63 Xướng viên: người được chỉ định trong tuần để đảm trách nhiệm vụ khởi sự giờ kinh Nhật Tụng tại Ca 64 Chị Geneviève chép những đoạn này khi chị còn ở ngoài đời, và lúc đó Têrêsa đã từ giã chị để vào dòng Kín. Lúc đầu chị dùng cuốn Kinh Thánh của cậu chị là ông Guérin để sao chép. Đây là cuốn loại quý, khổ rất lớn do Gustave Doré ấn loát, Bourassé và Janvier phiên dịch. Sau chị ưa dùng một cuốn tiện lợi hơn và tiếp tục ghi chép theo bản dịch của Lemaistre de Sacy, do nhà Furne et Cie xuất bản tại Paris năm 1864. Trong cuốn sổ đó, Chị eneviève đã chép những đoạn Thánh Kinh thuộc các sách sau đây (theo thứ tự trong sổ chị chép): Nhã Ca, Triết Ngôn, Khôn Ngoan, Châm Ngôn, Isaia, Tobia, Đức Huấn Thiện, Egiêkia, Ôsê, Habacuc, Sôphônia, Malakia, Amos, Mikê, Giacaria. Sau ngày vào Dòng Kín, 14-91894, chị tặng Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu cuốn sổ nhỏ đó. Têrêsa đã dùng cuốn này làm sách thiêng liêng để suy nguyện. Rất có thể nhờ tập này mà Chị đã được đọc lời Chị rất yêu quý: “Kẻ nào thật bé nhỏ hãy đến cũng Ta” (Châm Ngôn 9,4 trưng trong Ms. C, fo 3 r0.) 65 Chị có thể nhận ra những điểm khác nhau như vậy, vì tuy các chị trẻ không được đọc toàn bộ ThánhKinh, nhưng Chị đã so sánh những đoạn chép trong cuốn sổ của chị Geneviève với một số bản dịch Thánh Vịnh (nhất là thuộc nhà xuất bản Glaire), các Tiên Tri và Tân Ước. Chị đọc Tân Ước nhiều trong cuốn “Thủ bản Kitô hữu”, trong đó gồm thêm Thánh Vịnh, Gương Chúa Giêsu, và ngay đầu còn có cả phần Thường Lễ, Kinh Chiều và Kinh Tối (Đức Tổng Giám Mục Địa phận Tours, cho xuất bản, Mame và Fils xuất bản, Tours 1864. Không có tên dịch giả) “Thánh Vịnh dịch từ tiếng Do Thái”. goài ra Chị còn có những bản Kinh Thánh đúng nghĩa, như bản dịch sách Nguyện Bréviaires đọc hằng ngày trong nhà cơm, cuốn Thần Thánh viết bằng tiếng Latinh-Pháp, Sách Hát lễ và những cuốn khác có trích nhiều Kinh Thánh, như cuốn Năm Phụng vụ của Dom Guéranger, những tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá… Sự khảo sát những đoạn Thánh Nữ trích dẫn Cựu Ước và Tân Ước cho ta thấy rõ là Thánh Nữ đã dùng những nguồn tài liệu khác nhau. 66 Coi trang 74. 67 “Tu” và “Vous” là đại danh từ cùng chỉ ngôi thứ hai. Trong Pháp văn, người ta dùng “Tu” (mày, anh, ba, má…) thay cho “Vous” (ông, ngài, quý vị…) khi muốn diễn tả sự thân mật âu yếm (Chú thích của người dịch).68 Pranzini là một tội nhân bị kết án tử hình. Chị cầu xin và anh đã được ơn trở lại liền trước khi xử, vào tháng 8 năm 1887 (coi Ma. A, fol. 46 r0).
69 Sắc lệnh này ban hành ngày 17.12.1890. Đây là đoạn chính yếu: “Về vấn đề liên quan tới việc cho phép hay không được lên Bàn Thánh rước Chúa, Đức Thánh Cha ban bố rằng việc được phép hay không là chỉ tuỳ thuộc cha giải tội thường. Các vị Bề trên không có thẩm quyền nào trong vấn đề này… Ai được phép cha giải tội để năng rước lễ hay rước lễ hằng ngày thì phải báo cho Bề trên biết”. Trên thực tế thì Cha Tuyên uý Dòng Kín Lisieux hồi đó là cha Youf không thay đổi gì trong thói quen có sẵn cả, trừ thời gian có bệnh cúm truyền nhiễm (từ tháng 12-1891 đến tháng 1-1892 là chị Thánh có thể rước lễ hằng ngày - ms. A, fol. 79 v0). 70 Cha Youf cũng tạ thế sau Chị Thánh mấy ngày và vị kế tiếp là cha Hodierne, hoà mình theo sắc lệnh của Đức Lêô XIII đã đem thói quen Rước lễ hằng ngày vào trong Dòng Kín Lisieux. 71 Céline đã chỉ dẫn Têrêsa đôi bài về hội hoạ chỉ chừng 6 tháng trước khi Chị vào Dòng Kín. 72 Đây có ý nói tượng mỗi nữ tu mang trên mình. 73 Tượng bằng thạch cao đặc, cao 0m90.
|